Nghỉ hưu non – xu hướng mới và những hệ lụy Tự do hay trốn chạy?

Trong khi ngày càng nhiều người trẻ chọn “nghỉ hưu sớm” để tìm kiếm tự do và cân bằng, không ít người sau đó phải quay lại thị trường lao động vì cô đơn, mất phương hướng hoặc tài chính cạn kiệt. Hiện tượng này đặt ra câu hỏi: nghỉ hưu non là sự tỉnh thức sống hay dấu hiệu của khủng hoảng lối sống?
Tự do thiết kế cuộc sống “màu hồng”
Với đa số người trẻ đang mải mê chạy đua với công việc, danh vọng và các mục tiêu tài chính, Trần Thị Thảo (sinh năm 1997, sống ở Hà Nội) lại đưa ra một quyết định đi ngược dòng: nghỉ hưu ở tuổi 27. Theo Thảo, đó là khởi đầu cho một chiến lược sống có tính toán, với tư duy “nghỉ hưu ngắn hạn” nhằm tái tạo năng lượng, sống chậm lại để nhìn rõ hơn giá trị thật sự của cuộc sống.
Tốt nghiệp khoa tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN), Thảo khởi nghiệp từ rất sớm trong lĩnh vực thời trang. Mười năm miệt mài, cô gây dựng sự nghiệp ổn định, sở hữu đội ngũ riêng, xây dựng các khóa đào tạo và tham gia vào nhiều hoạt động huấn luyện. Nhưng phía sau bức tranh thành công ấy là những khoảng trống về sức khỏe, cảm xúc và sự kết nối với chính bản thân mình.
“Đã từng có lúc mình tự hỏi, liệu có đáng không khi làm việc liên tục 50 năm chỉ để rồi dành vài năm cuối đời nghỉ ngơi mà chưa chắc có thể sống đến lúc đó?”, Thảo chia sẻ.
Ý tưởng về nghỉ hưu ngắn hạn đã đến với Thảo sau khi đọc cuốn Tuần làm việc 4 giờ của Tim Ferriss. Từ một khái niệm tưởng chừng phi thực tế, cô bắt đầu thiết kế lại cuộc sống của mình theo hướng chủ động hơn: làm việc theo chu kỳ, nghỉ ngắn hạn có kế hoạch, và đặt việc sống hạnh phúc lên trên hiệu suất. Trong hơn 1 năm gần đây, cô đã có hơn 250 ngày dành cho việc nghỉ ngơi, đi thiền, du lịch và trải nghiệm.
Trong những kỳ nghỉ thiền, Thảo hoàn toàn không dùng điện thoại, không liên lạc, không kết nối. “Những khoảng nghỉ cho phép mình nhìn lại hành trình, nghĩ ra các hướng phát triển mới, từ đó hiệu suất công việc sau kỳ nghỉ thậm chí còn tăng gấp đôi”, Thảo nói.
Để biến ý tưởng trong một cuốn sách tham khảo thành tư duy sống mới của mình, Thảo trăn trở và tự đặt nhiều câu hỏi: Khi đang công việc ổn định, liệu đã sẵn sàng đối mặt với định kiến “thất nghiệp hoặc nghỉ hưu non” trong mắt mọi người?.
Thực hiện ý tưởng nghỉ hưu sớm đầy táo bạo của mình, Thảo đã xây dựng lối sống mới dựa trên bốn bước: Thiết kế cuộc sống – lên lịch nghỉ – chuẩn bị nguồn lực – hành động. Trong đó, điểm đặc biệt là các kỳ nghỉ được đặt lịch trước, rồi mới sắp xếp công việc xung quanh. Cô cũng thường xuyên lập kế hoạch theo tuần, tháng và quý, đồng thời đặt ra chỉ tiêu rõ ràng cho từng khía cạnh như sức khỏe, cảm xúc, gia đình, sự nghiệp…
“Mình từng thấy nhiều người có địa vị cao, thu nhập tốt, nhưng họ không có thời gian dành cho con cái hay bản thân. Mình thì khác, mình chọn một cuộc sống mà công việc phục vụ cho hạnh phúc, chứ không ngược lại”, Thảo bày tỏ quan điểm.
Xác định rõ giá trị sống
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Nguyễn Thứ Mười – Phó trưởng khoa Công tác thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhìn nhận, trong khi nhiều người vẫn đang nỗ lực để thăng tiến, tích lũy và ổn định sự nghiệp thì một bộ phận giới trẻ lại chọn rời khỏi guồng quay công việc sớm hơn thường lệ.

Ảnh: C.L
Hiện tượng “nghỉ hưu non” từng được xem là kỳ lạ, thậm chí bị cho là thiếu kiên trì nhưng ngày càng trở nên phổ biến trong một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là ở nhóm trí thức có tư duy độc lập về tài chính.
TS. Mười cho rằng, hiện tượng trên xuất phát từ mong muốn được tận hưởng cuộc sống khi còn mạnh khoẻ. Một số bạn trẻ không muốn chờ đến 60 – 62 tuổi mới nghỉ hưu. Họ muốn dùng quãng thời gian còn sung sức để sống chậm, chăm sóc sức khỏe, đi du lịch hoặc theo đuổi đam mê cá nhân. Đây là sự thay đổi trong quan điểm sống, đặt chất lượng sống lên trên áp lực kiếm tiền.
“Không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái mất động lực, không còn thấy công việc hiện tại có ý nghĩa. Một số bạn trẻ gặp khó khăn trong môi trường làm việc ngày càng mang tính cạnh tranh cao, biến động nhanh do ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo và môi trường xã hội thay đổi. Tình trạng quá tải, thậm chí bị kiệt sức do áp lực công việc cũng khiến một số bạn trẻ chọn rời bỏ môi trường làm việc nhiều áp lực”, TS. Mười cho biết.
Theo chuyên gia, nghỉ hưu non trong giới trẻ có thể là dấu hiệu của sự tỉnh thức, không nên vội đánh giá là biểu hiện tiêu cực như thiếu nỗ lực, kiên trì, khát vọng… Tuy nhiên, các bạn trẻ nếu lựa chọn nghỉ hưu non thì cần có sự chủ động về tài chính, mục tiêu sống, sức khỏe thể chất và tinh thần để tránh rơi vào khủng hoảng sau khi rời bỏ công việc.
“Việc nghỉ hưu non tuy không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực nhưng cũng không nên trở thành xu hướng hoặc sự lựa chọn bất đắc dĩ ở giới trẻ vì môi trường làm việc tẻ nhạt hay sức khỏe suy giảm. Để hạn chế xu hướng nghỉ hưu non thiếu sự chuẩn bị, cần có giải pháp từ cả người lao động và tổ chức”, TS. Mười cho hay.
Cụ thể, người trẻ cần xác định rõ giá trị sống và mục tiêu nghề nghiệp từ sớm để tránh rơi vào mất phương hướng. Chủ động lên kế hoạch tài chính cá nhân, tiết kiệm, đầu tư thông minh và dự phòng rủi ro nếu quyết định nghỉ việc. Rèn luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần, tránh để bị kiệt sức vì làm việc quá mức và vượt quá giới hạn của bản thân. Trước khi nghỉ hưu non, nghỉ việc nên tìm hướng đi mới, trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới hoặc thử nghiệm mô hình làm việc linh hoạt thay vì nghỉ việc hoàn toàn.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức cần cải thiện môi trường làm việc, trao quyền cho nhân viên dựa trên sự lắng nghe và thấu hiểu giới trẻ. Tạo điều kiện cho nhân viên học tập, phát triển nghề nghiệp liên tục trong cả chuyên môn, kỹ năng mềm và tâm lý.
TS. Nguyễn Thứ Mười (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) khuyến khích mô hình làm việc linh hoạt dựa trên chất lượng và hiệu quả công việc, có cơ chế nghỉ ngắn hạn để nhân viên phục hồi sức lực thay vì để họ buộc phải nghỉ việc dài hạn do kiệt sức hoặc có vấn đề về sức khỏe. Xây dựng văn hóa tổ chức, văn hoá công sở cởi mở, đổi mới, linh hoạt, không gò bó; năng động sáng tạo, ít áp lực ngầm; đề cao giá trị cá nhân, không ép buộc khuôn mẫu và tôn trọng sự khác biệt để giới trẻ thấy được cơ hội phát triển, gắn bó thay vì cảm giác bị “vắt chanh bỏ vỏ” hoặc bị loại bỏ khi bị coi là hết giá trị.
Điều gì xảy ra nếu rút lui khỏi thị trường lao động?
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên nhận định, giới trẻ hiện nay có một nhận thức rất khác về lao động so với thế hệ trước. Nếu như trước đây, công việc được xem là trụ cột để lập thân, lập nghiệp thì nay, lao động chỉ là một phần trong “tam giác sống”, gồm: làm việc – tiêu dùng – nghỉ ngơi.
Theo TS. Linh trong xã hội hiện đại, khi cái tôi cá nhân được đề cao, không ít người trẻ lựa chọn làm việc chỉ để phục vụ nhu cầu chi tiêu và tận hưởng. Họ dễ dàng bỏ việc nếu thấy áp lực, sẵn sàng dành vài tháng, thậm chí vài năm để “nghỉ ngơi, chữa lành”, rồi mới tính chuyện tìm việc khác. Một bộ phận còn chủ động chuyển sang các công việc tự do, ít ràng buộc, hoặc tạm rút lui khỏi thị trường lao động chính thức.
Tuy nhiên, TS. Linh cho rằng, nếu việc nghỉ việc, đổi việc trở thành thói quen lặp lại, nó có thể dẫn đến sự mất ổn định cho cả cá nhân và tổ chức. Các doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó giữ người, khó xây dựng đội ngũ nhân sự lâu dài, còn người trẻ dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng nghề nghiệp, không tích lũy đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết.
Việc ngắt quãng công việc thường xuyên khiến nhiều bạn trẻ “cùn đi” trong kỹ năng, khó bắt nhịp với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên chỉ rõ mặt trái của xu hướng này. Đó là nếu cứ nghỉ – làm việc – rồi lại nghỉ, người trẻ rất dễ rơi vào một vòng luẩn quẩn, dễ suy nghĩ công việc không còn là cơ hội phát triển bản thân mà chỉ là phương tiện kiếm tiền ngắn hạn. Dần dần, họ có xu hướng lựa chọn những công việc đơn giản hơn, ít đòi hỏi hơn, dù bản thân hoàn toàn có tiềm năng tiến xa hơn thế. Đó chính là sự lãng phí tài năng, một điều đáng tiếc cho cả cá nhân lẫn xã hội.
Theo Tiền Phong