Thuế đối ứng kéo giảm xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ
Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ bất ngờ giảm tốc trong tháng 6, trong khi đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục tăng mạnh.
Vì sao thị trường Mỹ giảm tốc?
Trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản đạt 876 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại nếu so với tháng liền kề trước đó tăng tới 20% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thủy sản vào Mỹ gặp nhiều thách thức vì thuế đối ứng
ẢNH: CHÍ NHÂN
Xuất khẩu thủy sản giảm tốc vì thị trường quan trọng hàng đầu là Mỹ giảm đến 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trao đổi với Báo Thanh Niên, một số doanh nghiệp cho biết: Đầu tháng 4, Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng trên phạm vi toàn cầu, sau đó hoãn 90 ngày. Tranh thủ cơ hội hoãn thuế, các doanh nghiệp Mỹ khẩn trương nhập hàng để phòng ngừa rủi ro do vậy, kim ngạch trong tháng 4 và 5 tăng khá mạnh. Tuy nhiên, lệnh áp thuế 90 ngày trên có thời hạn đến 9.7, được tính theo thời điểm hàng cập cảng đến ở Mỹ. Trong khi hàng từ Việt Nam đến Mỹ mất trung bình 30 – 45 ngày tùy theo bờ đông hay tây. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 giảm đáng kể.
Ngoài ra, sau khi đã trữ một lượng hàng tương đối khá, các nhà nhập khẩu cũng muốn chờ xem các diễn biến mới sau ngày 9.7 – thời điểm Tổng thống Trump sẽ công bố mức thuế đối ứng mới với các nước.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã xây dựng kịch bản xuất khẩu nửa cuối năm 2025. Theo đó, kịch bản 1 – nếu thuế đối ứng của Mỹ sau 9.7 là 10%: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể giảm còn khoảng 9,5 tỉ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đó.
Kịch bản 2 – thuế đối ứng trên 10%, xuất khẩu có nguy cơ giảm sâu chỉ còn 9 tỉ USD hoặc thấp hơn. Mỹ sẽ không còn là thị trường ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN vẫn tăng mạnh
Trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp thách thức thì nhiều thị trường chủ lực khác tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6. Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc tăng tới 20% và đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu với 188 triệu USD. Thị trường Nhật Bản đạt 150 triệu USD, tăng 21%: Hàn Quốc đạt 74 triệu USD, tăng 15% và ASEAN đạt 60 triệu USD, tăng 28%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỉ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9.7.
Trong kịch bản xấu nhất, cạnh tranh từ các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ trở nên gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN, nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.
Theo: Báo Thanh Niên